Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Các chuyên gia đã chứng minh rằng những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp cao hơn so với người bình thường. Không ngoại lệ, các vấn đề về cơ xương khớp cũng gây tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người đái tháo đường.
Mục lục
Nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường.
Theo một nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Đan Mạch, thực hiện trên hai nhóm bệnh nhân: mắc đái tháo đường type 2 và nhóm khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính và nơi sinh sống. Kết quả cho thấy rằng nhóm bệnh nhân mắc đái tháo đường có nguy cơ đau cơ xương khớp cao gấp 1,7 – 2,1 lần so với nhóm khỏe mạnh, không mắc đái tháo đường.
Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đau cánh tay, bàn tay, đầu gối là cao nhất, chiếm tới 71% trên tổng số bệnh nhân, nhóm hay bị đau vai gáy hay đốt sống cổ chiếm 52%, đau thắt lưng chiếm 60%.
Việc kiểm soát đường huyết kém trong suốt một khoảng thời gian dài, có thể gây tổn thương ở xương và các dây thần kinh ở chân tay, dẫn đến làm tăng tần suất đau cơ xương khớp ở vị trí này.
Bên cạnh đó, nguy cơ này ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường được phát hiện sớm hơn nhóm bệnh nhân đái tháo đường type 2. Nếu như nhóm type 2 hay xảy ra ở độ tuổi 40-50 tuổi thì ở nhóm bệnh nhân type 1 cao nhất là khởi phát trong khoảng 30-39 tuổi.
Đau cơ xương khớp gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường. Vì vậy, cần chẩn đoán sớm các vấn đề về cơ xương khớp trên nhóm bệnh nhân này và có các biện pháp can thiệp sớm như vật lý trị liệu,… song song với kiểm soát chặt chẽ lượng đường huyết.
Nguyên nhân gây đau cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường
Ở bệnh nhân đái tháo đường tốc độ hình thành glycation (AGEs) và thụ thể AGE (RAGE) nhanh hơn nhiều và tích lũy nhiều hơn so với người khỏe mạnh. Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân này, khi hàm lượng glucose càng cao càng thúc đẩy nhanh quá trình tạo ra AGEs.Những rối loạn chuyển hóa này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, thụ thể AGE (RAGE) thường có xu hướng tích lũy nhiều trong các mô gân, dây chằng và da, làm cho các vùng này dày hơn, cứng hơn, kém đàn hồi và dễ bị tổn thương hơn. Chính vì vậy, khiến cho hệ cơ xương bị hạn chế vận động.
Cơ chế này còn làm tăng phản ứng oxy hóa, có thể dẫn đến tăng tình trạng viêm, làm nặng thêm các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở cơ xương khớp.
Nguy cơ mắc các bệnh về cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với người khỏe mạnh, không mắc đái tháo đường. Việc kiểm soát tốt đường huyết không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng trên tim mạch, thần kinh mà còn giúp giảm thiểu các bệnh lý không mong muốn trên cơ xương khớp làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.