Trẻ em 2-4 tuổi là lứa tuổi khởi đầu có thể nhiễm vi khuẩn Hp – nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ, thậm chí là viêm loét dạ dày, thủng dạ dày và ung thư ác tính. Chính vì vậy, nhiễm khuẩn Hp ở trẻ em 2 tuổi là bệnh lý không được chủ quan.
Mục lục
Thực trạng nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ em hiện nay
Vi khuẩn Hp có thể lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vì thế ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh chưa hoàn toàn tốt như Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp trong cộng đồng lên tới 70-80%.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam tới 20-40% trẻ em 2 tuổi nhiễm khuẩn Hp, tỷ lệ nhiễm tăng dần khi trẻ lớn lên và đạt tới 60-85% ở lứa tuổi 15. Đặc biệt, trẻ em Việt Nam nhiễm khuẩn Hp từ rất sớm, dưới 3 tháng tuổi.
Tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn HP trong gia đình.
Trẻ 2 tuổi nhiễm khuẩn Hp, bố mẹ thường có tâm lý lo lắng trẻ sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản hay ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều tiến triển thành bệnh lý dạ dày hay biến chứng ung thư nếu có biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị sớm.
Nhiễm khuẩn Hp ở trẻ em 2 tuổi ảnh hưởng như thế nào?
Nhiễm khuẩn Hp giai đoạn đầu đa số đều không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa thông thường. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn phát triển, có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, thiếu máu và ảnh hưởng tới khả năng phát triển thể chất của trẻ.
1. Gây thiếu máu, thiếu sắt
– Giảm hấp thu sắt: Môi trường acid dạ dày giúp tăng độ tan của một số khoáng chất, đặc biệt là sắt. Tuy nhiên, vi khuẩn Hp làm trung hòa acid dạ dày dẫn đến giảm hấp thu sắt ở trẻ.
– Giảm hấp thu chất dinh dưỡng: Thiếu sắt ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, làm trẻ biếng ăn, khó nuốt, hấp thu kém. Đồng thời, vi khuẩn Hp còn hấp thu một phần sắt ở dạ dày, phá vỡ liên kết giữa các tế bào niêm mạc dạ dày làm đẩy chất dinh dưỡng ra ngoài, vi khuẩn Hp hấp thu chất dinh dưỡng đó để tồn tại và sinh trưởng.
Vì thế trẻ em 2 tuổi nhiễm vi khuẩn Hp dễ bị thiếu máu, thiếu sắt làm trẻ gầy yếu, xanh xao, dễ ốm vặt, suy dinh dưỡng và kém phát triển về thể chất cả chiều cao lẫn cân nặng.
Vi khuẩn HP gây thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ
2. Viêm loét dạ dày
Vi khuẩn Hp xâm nhập vào kích thích phản ứng viêm dạ dày cấp gây đau bụng, nôn, buồn nôn, trẻ chán ăn, sụt cân, tiêu chảy cấp.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp trẻ không biểu hiện triệu chứng và có thể tiến triển âm thầm thành viêm dạ dày mạn.
Viêm loét dạ dày do nhiễm khuẩn Hp ở trẻ em 2 tuổi nếu không được điều trị tốt làm tăng nguy cơ chảy máu, thậm chí tử vong do thủng dạ dày nếu không được cấp cứu kịp.
3. Tăng nguy cơ ung thư dạ dày khi trẻ trưởng thành
Nhiễm khuẩn Hp ở trẻ 2 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày khi trưởng thành gấp 8-10 lần trẻ khác. Nhưng nguy cơ gây bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ địa, sức đề kháng, môi trường, chế độ ăn uống và chủng Hp lây nhiễm. Chính vì thế, chỉ khoảng 20% trẻ nhiễm Hp bị bệnh lý dạ dày và chỉ 1-3% trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày.
Nhiễm Hp kéo dài 10-20 năm có thể dẫn đến teo niêm mạc dạ dày, làm giảm tiết acid dịch vị tạo điều kiện cho tế bào thay đổi cấu trúc tương tự tế bào niêm mạc ruột gây dị sản ruột – một dạng tiền ung thư dạ dày ác tính.
Vi khuẩn Hp có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ, chính vì thế việc chẩn đoán và có ý thức phòng ngừa sớm cho trẻ giúp trẻ được phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn.
Hình ảnh BSCKII Trần Văn Quang kiểm tra sức khỏe cho bé 2 tuổi tại phòng khám Vietlife
Biện pháp phòng tránh
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn Hp ở trẻ, bố mẹ cần tuân thủ tốt các hướng dẫn dưới đây:
– Rửa tay bằng xà phòng cho trẻ sau khi nghịch bẩn, trước khi ăn và nhất là sau khi đi vệ sinh.
– Cho trẻ sử dụng thực phẩm đã được làm sạch và nấu chín an toàn.
– Hạn chế cho trẻ ăn đồ sống như rau sống, gỏi hay thực phẩm lên men như mắm tôm, mắm ruốc.
– Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, an toàn sạch sẽ.
– Tuyệt đối không hôn, không mớm đồ ăn cho trẻ.
– Hạn chế dùng chung đồ dùng ăn uống với trẻ như bát, đũa, thìa hay bát nước chấm, hạn chế gặp thức ăn cho trẻ bằng đũa của mình.
– Lưu ý lựa chọn hàng quán ăn sạch sẽ, uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Phun thuốc diệt muỗi, ruồi, gián, chuột khu vực sinh sống, nhà ở.
Đặc biệt, với trẻ em 2 tuổi, bố mẹ giúp trẻ xây dựng và duy trì thói quen tốt cho sức khỏe và vệ sinh cá nhân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết giúp giữ an toàn cho trẻ. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường đường tiêu hóa cha mẹ cần cho trẻ đi khám sớm để điều trị. Liên hệ ngay Hotline Hà Nội: 024 7307 8999/ TP.HCM: 028 3868 0909 để được tư vấn và đặt lịch khám.